Search This Blog

Tuesday 14 February 2017

099 Quản Trọng Tam Quy đài 管仲三歸臺











Phiên âm: Quản Trọng (1) Tam Quy đài (2)

Cựu đài nhân một thảo li li
Tằng dĩ Hoàn Công (3) bá nhất thì
Quận huyện thành trung không cửu hợp
Môi đài thạch thượng kí Tam Quy
Tại Triều xảo dữ quân tâm hợp
Một thế chung liên tướng nghiệp ti
Hỉ trị thánh triêu công phúc đảo
Vãng lai đài hạ tạp Hoa Di

Chú thích:

(1) Quản Trọng: Tên là Di Ngô 夷吾, người đất Dĩnh Thượng 潁上 nước Tề 齊 (vùng Sơn Đông). Công nghiệp của Tề Hoàn Công 齊桓公 đều nhờ Quản Trọng giúp đỡ mà thành.
(2) Tam Quy đài: Đài cao ba tầng, ngụ ý rằng ba hạng người quy phục mình: dân quy phục, chư hầu quy phục, các rợ quy phục. Quản Trọng đã xa xỉ lại kiêu: chỉ bậc thiên tử mới đáng lập đài đó. Vì vậy Khổng Tử chê Quản Trọng là khí tượng nhỏ mọn, không biết điều lễ (Luận Ngữ - chương Bát Dật). Mạnh Tử chê "sự nghiệp tầm thường". (Sử ký của Tư Mã Thiên, Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê dịch, Lá Bối xuất bản, Sài gòn, Việt nam, 1972, trang 339).
(3) Hoàn Công: Tức Tề Hoàn Công 齊桓公.


Dịch nghĩa: Đài Tam Quy của Quản Trọng

Đài cũ chìm lấp, cỏ mọc tua tủa
Từng giúp Tề Hoàn Công nên nghiệp bá một thời
Trong thành đã chín lần hợp các quận huyện
Trên đá rêu phủ còn ghi chữ "Tam Quy"
Ở triều đình khéo hợp lòng vua
Rốt cuộc chết, bị chê là tể tướng công nghiệp nhỏ mọn
Mừng gặp thánh triều che chở khắp
Dưới đài qua lại lẫn lộn người Hoa, người Di

Dịch thơ
Đài Tam Quy của Quản Trọng

Đài xưa mai một, cỏ hoang lên
Nghiệp bá Hoàn Công giúp đã nên
Chín lượt trong thành gom quận huyện
"Tam Quy" trên đá phủ rêu xanh
Ở triều khéo hợp lòng vua lớn
Khi chết đành mang nghiệp tướng hèn
Mừng gặp thánh triều che chở khắp
Hoa, Di đài dưới bước bon chen


(Đặng Thế Kiệt dịch)



ed. 2023-01-19 hvtd-td v2 img2

















No comments:

Post a Comment