Search This Blog

Monday 9 March 2015

015 Vọng Quan Âm miếu 望觀音廟


Nguyễn Du làm bài này có lẽ khi đi tới gần Quảng Đông, thành Đông Quản 東莞, có Quan Âm sơn 觀音山. Tương truyền Bồ Tát Quan Âm khi mới đến Trung Hoa đã giảng kinh ở đây. Có một hòn đá lớn ở cách xa núi này cả nghìn dặm, nhờ hấp thụ tinh hoa trong trời đất, nên có được linh tính. Hòn đá kính mộ đức hạnh Bồ Tát bèn bay lại nghe kinh. Nhưng bị các Hộ pháp ngăn cản không cho vào, chỉ được nằm ở ngoài hướng tới Bồ Tát cúi đầu vái lạy. Bồ Tát Quan Âm thấy hòn đá thành tâm liền điểm hóa cho nó. Hòn đá bèn để lại nguyên hình ở đó và bay lên trời. (*)










Y thùy tuyệt cảnh cấu đình đài
Phạt tận tùng chi trụy hạc thai
Thạch huyệt hà niên sơ tạc phá
Kim thân (1) tiền dạ khước phi lai
Ðình vân xứ xứ tăng miên định
Lạc nhật sơn sơn viên khiếu ai
Nhất chú đàn hương (2) tiêu tuệ nghiệp (3)
Hồi đầu dĩ cách vạn trùng nhai


Chú thích

(1) Kim thân: Mình vàng, chỉ tượng Phật.
(2) Ðàn hương: Hương làm bằng gỗ chiên đàn.
(3) Tuệ nghiệp: Nghiệp chướng do trí tuệ gây ra.


Dịch nghĩa:
Trông miếu Quan Âm

Ai người dựng nên đình đài ở chốn tận cùng này?
Chặt hết cành tùng, rớt trứng hạc
Hang đá, năm nào bắt đầu đục phá?
Tượng Phật (mình vàng) mới bay đến đêm qua
Khắp chốn mây ngừng trôi, sư yên giấc
Núi núi bóng chiều rơi, vượn kêu thương
Ðốt nén hương đàn để tiêu tan nghiệp chướng do trí tuệ gây ra
Quay đầu lại đã cách núi muôn trùng


Dịch thơ:
Trông miếu Quan Âm

Ðình đài ai dựng tận nơi đây
Trứng hạc rơi tùng chặt hết cây
Hang đá năm nào vừa đục phá
Tượng vàng đêm trước mới qua bay
Mây ngưng chốn chốn sư an giấc
Chiều rụng non non vượn oán ai
Ðốt nén hương đàn tiêu tuệ nghiệp
Muôn trùng đã cách thoáng đầu quay


(Đặng Thế Kiệt dịch) 










No comments:

Post a Comment